Bàn luận : Những câu chuyện cuộc sống


Một mảnh đời lang thang


Một chuyến ra đi

Một Nô-en xứ người

Một mảnh đất cắm dùi

Một người bạn đời


     
 

  Một lần ra đi

 Nguyễn Hòa Bình

“Bây giờ đất nước hoà bình, con đi học năm năm rồi về giúp xây dựng lại đất nước nghe con. Gắng gìn giữ sức khỏe, đạo đức, thường xuyên viết thư về thăm ba má nghe con...”

 

Lời má dặn văng vẳng trong tai Bình trên chuyến tàu xuyên qua biên giới Việt Trung. Má đâu có ngờ cuộc sống của cậu con cả không đơn giản như mình mong đợi.

 

Trong thời gian du học , Bình quan tâm đến những kiến trúc cổ kính ở nước bạn. Trong một dịp lén lút vô thăm ngôi nhà thờ, Bình thấy tấm hình Chúa Giê-su với cặp mắt sáng ngời, liền mua ngay một tấm để gởi tặng má. Không ngờ má viết lại, trách “con đừng gởi những đồ tôn giáo vớ vẩn và con cũng nên xa lánh những chỗ đó đi”. Một lần khác, nhà trường tổ chức đi thăm quan di tích lịch sử, một linh mục bắt gặp Bình trong giây phút tản mạn và tâm sự : “Tòa nhà này phải có người thiết kế xây dựng. Vậy chú nghĩ gì khi nhìn muôn vàn vì sao trong vũ trụ? Hay sự tinh vi của các nguyên tử, tế bào? Không lẽ chẳng có ai sáng tạo và bày đặt cho chúng hoạt động sao?” Bình vội lảng đi, nhưng câu nói trên như một hạt giống được gieo xuống mảnh đất sau cơi mưa.

 

Sáu năm học đại học đã mãn, chỉ còn mấy tháng nữa là Bình sẽ trở lại quê hương, đoàn tụ với gia đình góp phần xây dựng đất nước.  Nhưng hoàn cảnh đất nước bây giờ không còn như lúc Bình chia tay má trên sân ga Hàng cỏ. Vì một lý do nào đó mà cả triệu người phải rời nơi chôn rau cắt rốn ra đi... Trong số đó có thân nhân của một người bạn mà Bình biết là người có thâm niên, có uy tín, địa vị trong xã hội, yêu nước, thương dân. Đến như ổng phải ra đi thì vì sao mình phải quay lại – Bình tự nhủ. Sau nhiều đêm trằn trọc, Bình không thể đi đến một quyết định nào hơn là cứ nấn ná ở nước ngoài càng lâu càng tốt. Biết mình không thể làm phật lòng cha mẹ, Bình cũng ỉm luôn chuyện thư từ cho gia đình luôn. Gia đình nghe phong phanh rằng Bình phải lòng một cô da trắng rồi biến mất luôn. Có thể đã chết.

 

Chẳng bao lâu đất nước người ta cũng lâm nạn chiến tranh và đói thiếu. Số tiền dành dụm bấy lâu tự nhiên mất giá. Bạn gái quay lưng đi với người khác. Luật thời chiến ban ra khiến Bình không thể lai vãn trú thân nhờ vả được ai. Về nước thì sợ bị kỷ luật, ở lại thì không có giấy tờ, mà ra đi thì biết đi mô tê?  Nhiều lần Bình đứng ngẩn ngơ trên chiếc cầu treo, do dự trong ý nghĩ gieo mình xuống đoàn xe lửa đang chạy ở dưới. Cuộc đời thật vô nghĩa, bây giờ đã tệ vậy, nếu nấn ná thêm thì không biết sẽ tồi tệ thêm đến mức độ nào?  “Ba má ơi, xin tha thứ cho con..”

 

Mặc dầu lớn lên trong môi trường duy vật, được đào tạo trong khoa học tự nhiên, mấy tháng nay Bình bắt đầu nảy sinh ra những câu hỏi tự trong tâm hồn: Không biết có Chúa không? Nếu Chúa cứu mình chắc mình sẽ đi theo Chúa. Một đêm không trăng không sao, Bình thổn thức tuyệt vọng thốt lên “Trời ơi, cứu tôi...”

 

Mấy ngày sau, một anh bạn đến thăm: “Tao còn điều kiện ở lại chứ mày phải ra đi. Đi như thế này, thế này này... Chặng đường dài khoàng 1500 km, phải qua 4 nước 5 biên giới, tính mạng mày hết sức mỏng manh, nhưng chẳng mỏng manh hơn chuyện mày ở lại...” Không còn lựa chọn nào khác, Bình chia tay người bạn rồi khăn gói lên đường. Chuyến xe lửa lịch kịch chạy trong đêm tối tăm, tối như cuộc đời của Bình. Biên giới đầu tiên, thoát. Biên giới thứ hai, thoát nữa. Chắc ở các biên giới giữa các nước đông âu láng giềng họ chẳng kiểm tra kỹ càng đâu. Có lo thì lo biên giới thứ năm kìa. Bình tự an ủi và mỉm cười chào ông sảnh sát ở biên giới thứ ba. Không ngờ ông này nghiêm nét mặt nhìn xuyên qua tâm trí của Bình và mời Bình xuống tàu để làm việc. Ngồi trong căn phòng nhỏ đầy những người buôn lậu bản xứ, Bình nổi lên là một người Á đông xa cơ thất thế. Anh chàng ân hận nuối tiếc cơ hội tự kết liễu đời mình cách đây mấy tuần.

 

Đột nhiên ông cảnh sát bạn quay lại, gợi ý: “Nếu ông chịu đóng tiền “phạt” ông sẽ được tự do.”- “Thưa Ngài tôi phải đóng bao nhiêu?”- “Mười hai đồng, tương đương với một đô la”. Bình mừng hú, móc túi dúi vô tay ông cảnh sát một nắm bạc không cần đếm, cám ơn rối rít rồi chạy lại đoàn tàu, chỉ mấy phút trước khi nó lăn bánh chạy tiếp.

 

Nửa ngày sau đoàn tàu dừng lại ở thủ đô một nước trung lập. Ra khỏi ga, Bình cảm thấy tâm trạng như một một tảng đá vừa lăn ra khỏi lồng ngực. Hít một luồng "không khí mới" thật sâu, anh rảo bước bước vào một ngôi nhà thờ gần đó, nghiêm trang làm dấu trên ngực, cúi đầu cảm tạ. Đúng thật, có Chúa và Chúa là Đấng thương xót, chứ nếu không mình đã bị trả về... Cuộc đời trước đã khốn nạn, từ nay về sau chắc ... Bình rùng mình xóa đi ý nghĩ tản mạn trong đầu.

 

Lang thang trên một đường phố xa lạ, Bình thơ thẩn không biết bắt đầu cuộc sống mới như thế nào. Một sáng kiến nảy sinh. Anh liền lấy một cuốn sổ danh ba điện thoại thành phố ra tìm các họ Nguyễn, Trần, Lê. Sau nhiều cú gọi không thành công, một bà cụ húng hắng trả lời. Thủa đầu giai đoạn tị nạn, hầu hết mọi người đều từ miền nam ra đi, thấy ai có giọng bắc là lấy làm khó chịu, nhưng bà cụ đây lại là người bắc di cư nên động lòng cảm thông. Bà liền sai con chạy ra đón Bình, về nuôi nấng tẩm bổ mấy ngày, chỉ bảo cách ăn, cách nói rồi mới đem vô trại tị nạn cách đó 30 cây số. Trong nhà bà có treo một tấm hình Chúa Giê-su, y hệt như tấm mà Bình đã mua gởi tặng má cách đây 7 năm... Cuộc đời phong ba của một con người dường như có dấu tay đưa dẫn của một Đấng huyền bí, kỳ diệu.

 
 
     
 

 Một Nô-en trên xứ người.                                                   

 Nguyễn Hòa Bình

 

Lại một mùa Nô-en đến trong thành phố hải cảng nước bạn. Đây là năm thứ sáu sống xa nhà, nhiều lúc Bình cảm thấy thỏa mãn với ý nghĩ nơi này có thể trở nên quê hương thứ hai của mình. Ngôn ngữ Bình chẳng kém ai, bạn bè Tây cũng nhiều và hảo tâm, phong tục tập quán của họ chẳng còn bỡ ngỡ như lúc ban đầu nữa. Cái gì cũng hợp, chỉ trừ Lễ Nô-en.

 

Lớn lên ở Việt Nam, Bình chẳng hiểu biết  gì về ý nghĩa ngày Nô-en, chỉ trừ việc cha mẹ được một ngày nghỉ ngơi. Bây giờ, thấy người ta tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm ngày Lễ, Bình thầm hỏi: Chúa của họ là ai? Là Con Thượng Đế? Được một thiếu nữ còn trinh tên là Ma-ri sanh thành? ... Ôi rắc rối quá, tin có Trời đã khó, Trời có Con là một chuyện khó chấp nhn hơn, thêm nữa một nữ còn trinh sanh ra hài nhi ...  Thật khôi hài. Không hiểu sao niềm tin phản khoa học như vậy lại đem lại ý nghĩa cuộc sống và nỗi vui mừng cho cả triệu người trên thiên hạ. Câu trả lời của người bạn: "đã là Thượng Đế thì có gì Ngài chẳng làm được." chẳng thế nào thỏa mãn được Bình. Cả khu chung cư sinh viên tấp nập hàng ngàn người nay trống vắng, chỉ còn lại vài chục sinh viên ngoại quốc trong kỳ lễ Nô-en. Buồn ơi là buồn. Ly rượu và chương trình Ti-vi chỉ giúp họ giải sầu trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Bình cảm thấy rùng mình mỗi khi nghĩ đến những ngày lễ Nô-en trong năm tới.

 

Cũng thời gian ấy, từ hâm mộ nhạc mạnh Bình chuyển sang thích thú nhạc cao bồi Mỹ (Country and Western) với hình ảnh của các tài tử chăn bò trên màn bạc. Hàng chiều Bình chờ đón chương trình nhạc cao bồi trên đài để thâu vào băng cát sét.  Bình đặc biệt cảm tình với giọng hát của một nữ ca sĩ tên là Christal Gail. Nghe hát vậy chứ Bình đâu có hiểu cô ấy hát gì...

 

Rồi chiến tranh tràn đến thành phố cảng năm 82. Người dân bản xứ ùn ùn kéo nhau đi tị nạn phương Tây, trong đó có Bình. Nếu Nô-en những năm trước đây vô nghĩa, buồn chán thế nào thì Nô-en năm 82 vô nghĩa buồn chán bội phần. Hi vọng được đi định cư nước thứ ba bị chà đạp một cách tàn nhẫn sau khi Bình bị Gia-na-đại từ chối, không phải chỉ một lần mà ba lần. Tiếp đó, Mỹ và Úc lần lượt gởi phong bì về cám ơn ông đã quan tâm đến đất nước chúng tôi ... Thôi nhé! Càng ngày Bình càng cảm thấy ý nghĩ tự vẫn trở nên quen thuộc hơn. Trong khung cảnh ấy, Bình theo mấy người giáo sĩ đến nhà thờ của họ trong dịp lễ Nô-en. Đi cho vui và biết đâu đây là dịp Nô-en cuối cùng trong đời - Bình tự thanh minh.

 

Trong các bài hát họ hát hôm ấy có điệu nhạc thật quen thuộc mà Bình đã từng nghe. Đúng rồi, bài của cô Christal Gail. Ủa, sao người nhà thờ lại lấy bài nhạc cao bồi ra hát vậy, không hát theo kiểu cao bồi mà lại hát theo kiểu thánh nữa Hay là cô kia lấy nhạc nhà thờ đi hát chơi ? Nỗi tò mò giấy lên trong tâm trí của Bình đến nỗi Bình lấy trộm một cuốn Thánh ca đem về trại để dịch xem lời của bài hát ấy nói về cái gì.

 

Với vốn liếng Anh ngữ khiêm nhường, từng câu từng chữ của bài Ôi Bết-lê-hem ấp nhỏ được Bình dịch lại một cách cẩn thận. Đột nhiên lời bài hát nổi bật ra khỏi trang giấy, treo lơ lửng giữa không trung trước mắt Bình:

 

Thôn Bê-lê-hem còn yên giấc mơ màng, khắp nơi chìm trong màn tối.

Trên cao soi sáng sao đêm xa vời vẫn đang nhẹ bước khung trời.

Tiếng hát bỗng đâu vang dội lại, thiên thần hào quang chói sáng.

Loan tin Con Trời đã đến thế hạ, nỗi vui tràn khắp muôn nhà.

 

Yêu thương hi vọng ban xuống cho đời, xót thương tội nhân lầm lỗi

Ơn trên tha thứ cho muôn muôn người  sống trên trần thế u buồn.

Giữa chốn thế gian đang ồn ào, tâm hồn nào nghe tiếng Chúa.

Những ai khiêm nhượng vui đón Vua Trời, sống vui hạnh phúc muôn đời.

 

Đêm nay con cầu xin Chúa Vinh diệu, đến nơi lòng con thành kính,

Xua tan bao mối tơ vương ô trần, để ban đời sống an lành.

Tiếng hát chúc tôn vua đời đời, tin mừng được loan khắp đất.

Đêm nay muôn người dâng tiếng ca mừng, ước sao được thấy Con Trời.

 

Nước mắt trào ra một cách bột phát khi Bình đọc hết những dòng chữ ấy. Nhắm mắt lại, Bình hồi tưởng sự việc mới xảy ra trước đó hai tiếng đồng hồ. Chiếc xe van chở Bình từ nhà thờ về trại tị nn đang phóng 150km/h trên xa lộ Tây Âu nhớp nháp tuyết rơi, đột nhiên thắng gấp, quay 180 độ rồi dừng lại. Nhìn ra cửa sổ Bình thấy một chiếc xe khác bị tông trước đó gẫy ra làm đôi. Trong màn đêm dày đặc hiện ra hai miếng vải trắng lớn che xác hai người bất hạnh. Một trong hai người đó có thể là ngươi. Có thể là ngươi. -tiếng nhắc nhở vọng ra từ đáy lòng của Bình.

 

Lời của bài hát và sự kiện xảy ra trên xa lộ mở mắt cho Bình thấy một hiện thực đơn giản. Giả sử Bình phải chết bây giờ thì việc ai hát bài của ai, hay khoa học có chứng minh được nữ đồng trinh sinh con hay không,  hay có còn nước nào chấp nhận Bình định cư chăng, tất cả đều trở nên vô nghĩa. Điều quan trọng nhất là có Chúa và Chúa muốn gặp mình hôm nay. Vì không biết làm gì hơn theo lễ nghi tôn giáo, Bình cúi đầu thì thầm nhắc lại lời của bài hát trên: Đêm nay con cầu xin Chúa Vinh diệu, đến nơi lòng con thành kính, Xua tan bao mối tơ vương ô trần, để ban đời sống an lành.

 

Niềm vui dào dạt từ từ dâng lên trong tâm hồn, như thủy triều che khuất những rong rêu nhơ nhớp và những tảng đá san hô lởm chởm trên bãi biển. Cuộc sống vật thể của một người tị nạn không gì thay đổi, nhưng trở nên có ý nghĩa hơn Lần đầu tiên Bình kinh nghiệm được niềm vui của ngày lễ Nô-en.

 

Nguyễn Hòa Bình.

 
 
     
 

Một mảnh đất cắm dùi

 Nguyễn Hòa Bình

Bên trong hàng rào là tòa nhà 4 tầng xám xịt, trước là trại lính thời thế chiến, nay trở nên trại tị nạn cho 3000 người mưu cầu tự do. Ở đây có đủ loại người, xa thì từ A-phú-hãn, mà gần thì Tiệp khắc, Hung-ga-ry, Lỗ-mã-ni. Nhóm nhỏ nhất là 8 anh sinh viên Việt nam. Những người giáo sỹ - thực ra là các thanh niên tình nguyện viên từ Mỹ, Gia nã đại - rất cảm tình với một anh chàng người Việt tầm vóc khiêm nhường, nhưng có nụ cười thân thiện. Anh ta thường đem đồ ăn được phát trong trại mời những người bạn mới. Nhiều người trong trại thường phớt lờ nhóm giáo sỹ này bởi họ chẳng giúp được gì trong chuyện bão lãnh định cư. Riêng Bình nghĩ khác. Vì sao các thanh niên này rời xứ giàu sang bên kia đại dương để qua đây làm bạn an ủi với người tị nạn, chơi với con trẻ, dạy tiếng anh cho người lớn? ... Trong vòng họ có một niềm vui và tình bạn  hiếm có... Bình chưa từng gặp ai tương tự. Trong những năm tháng khốn quẫn của cuộc đời tị nạn, gặp được những người tốt như vậy thật là món quà quý từ Trời.

Bình đến trại đã được 1 năm. Lúc đầu ai cũng nghĩ Bình thừa khả năng được đi bất cứ nước nào mình muốn. Xuất xứ từ miền Bắc Việt nam, chạy nạn từ một nước Đông Âu đang xảy ra chiến tranh, có bằng kỹ sư, biết ba ngoại ngữ, có ân nhân đứng ra bảo trợ từ Canada và Mỹ.

Không ngờ đùng một cái, Bình nhận được cái trát gọi đi hầu toà. Trong số 30 ngàn người tị nạn, 99%  vuợt biên bất hợp pháp. Chính phủ địa phương thỉnh thoảng gọi ra một người để xử tội làm gương, đồng thời tạo cơ hội cho các sinh viên trường luật thực tập. Trả lời câu hỏi: "ông có công nhận tội xâm nhập quốc gia này một cách trái phép không? " Bình vô tư trả lời "thưa, có ạ". Ông thẩm phán liền giáng cho một cái án 3 năm tù rồi an ủi: "Ông không phải ngồi tù đâu, cứ yên tâm ở trong trại chờ ngày đi định cư nước khác là xong." Chẳng ai ngờ mỗi lần Bình đi phỏng vấn lại phải lòi ra cái án ó đâm kia. Một bà lãnh sự cho biết: "Ở nước tôi thì ông sẽ lãnh án 14 năm chứ chẳng phải ba năm đâu... cám ơn ông đã quan tâm đến nước chúng tôi" Trong vòng ba tháng, Bình bị từ chối 6 lần.Biết làm gì, biết đi đâu bây giờ. Có hai nước cuối cùng chẳng ai muốn đi: đó là Do thái và Nam phi, giữa chiến tranh và phân biệt chủng tộc người tị nạn xấu số phải chọn lấy một. Chán quá, chắc là mình sẽ tuyệt thực phản đối, hoặc chết hoặc được mãn nguyện. Tâm trí thì nghĩ vậy nhưng tấm lòng lại hướng về hướng khác. Mỗi lần thức dậy đi sắp hàng lấy đồ ăn, trong lòng Bình văng vẳng một câu hát mình mới học trên nhà thờ:

Tình yêu của Chúa tồn tại mãi không ba giờ ngừng

Tình thương của Chúa tràn đầy trên cuộc đời tôi

Ôi tình Chúa mới mỗi sáng ngày, mới mỗi sáng ngày,

Lớn lao thay sự thủy chung của Chúa, Lớn lao thay sự thủy chung.

Thấy Bình nghiện đi nhà thờ và đọc Kinh thánh, một số người chế giễu: "Mày tin Chúa sao Chúa không cứu mày đi". Khổ một nỗi họ chẳng tin Chúa mà cũng không được đi đâu cả. Khác với những lần khủng hoảng trước, lần này Bình có sự bình an "mặc dầu". Đột nhiên Bình nảy ra một ý nghĩ: "Có cha nào trên trần gian mà không thương con cái, huống chi là Cha trên trời. Bây giờ tùy ý Cha muốn mình đi đâu  cũng chịu dù Do thái hay Nam Phi. Con chỉ xin Cha ba điều: một mảnh đất cắm dùi, một công việc và một người vợ."

Trong vòng vài tháng sau đó một loạt sự kiện kỳ diệu xảy ra theo thứ tự. Trước hết có một bà việt kiều lấy chồng làm nghị viên được biết về hoàn cảnh của Bình. Chạnh lòng thương, ông này kiến nghị chính phủ xin cho Bình định cư nước họ.Thành công. Vậy đã có một mảnh đất cắm dùi, mặc dầu Bình thực lòng muốn đi và Canada hoặc Mỹ hơn. Rồi tiếp đó có giấy báo rằng một người bạn vừa đi Mỹ xin ông chủ hãng bảo lãnh cho Bình. Không những ông này chấp nhận, mà còn gởi tiền sang cho Bình để Bình đi học làm thợ in của hãng ông, trong chi nhánh gần trại. Chưa hết. Chính phủ Canada sau ba lần từ chối nay cho biết Bình được phép định cư  - mặc dù vẫn còn án, nhưng họ tìm ra một lỗ hổng trong luật pháp để tiếp nhận Bình. Trong ba nước Bình có thể lựa chọn tùy ý. Chưa hết, một cô gái trong nhóm thanh niên tình nguyện "phải lòng" với Bình. Cha! một mảnh đất cắm dùi, một công việc, một người bạn đời tương lai...

Mọi người cho rằng Bình gặp hên. Nhưng, "phước bất trùng lai", nay đã "trùng lai" lại được sắp đặt theo một lô-gíc thì chẳng có cách nào giải thích khác hơn là duyên Trời. Bình đã chứng kiến được quyền năng và tình thương của Chúa nên không còn lo sợ cho tương lai nữa. Anh còn nảy ra một  ý nghĩ táo bạo: hay mình ở lại trại hay định cư nước này, để tiếp tục giúp đỡ những người tị nạn. Bạn bè trong nhóm giáo sỹ khích lệ: Anh nên đi Canada, biết đâu Chúa đang mở một cơ hội không ngờ cho anh ở bên ấy, ở đây Chúa đã có người lo thay anh.

Ngồi trên chiếc phi cơ khổng lồ bay qua đại dương, Bình giở một mảnh giấy mà người bạn gái dúi vô tay trước đó. Trong đó có mấy câu Kinh Thánh -Thi thiên 18/18-20

"Nhưng Chúa là Đấng bảo vệ tôi,

Ngài đem tôi tới nơi rộng rãi,

Ngài giải cứu tôi vì Ngài vui lòng về tôi"

Cám ơn Chúa

 
     
 

Một người bạn đời

 

 Nguyễn Hòa Bình

Ông bà Mục sư Mạc-tin (Marten) trở về sau chuyến đi công tác châu Á. Cảm động trước hoàn cảnh thương tâm của những người tị nạn, ông bà âm thầm tìm cách bảo trợ họ. Trong lúc cầu nguyện, Ông bà nhận được một lá thư từ một người tên là Bình mới tới định cư ở Canada, xin đến cộng tác với ông bà. Sau một vài lần đi nói chuyện ở một số nhà thờ, Họ gây được một số vốn 1200 đô để bắt đầu chương trình bảo lãnh. Một gia đình ủng hộ 4 căn phòng để làm chỗ tiếp đón tị nạn. Một bác sỹ cho chiếc xe van. Một cô gái tên Phây sau 4 năm làm việc thiện nguyện bên Châu Á, trong đó có một năm trong trại tị nạn, đồng ý góp tay với công tác tị nạn. Các hội đoàn và gia đình bắt đầu gởi danh sách những người họ mong ước được giúp đỡ. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn. danh sách ấy phồng lên tới 300 người. Bình và Phây tất tưởi chạy ngược chạy xuôi, lên sở di trú ký giấy tờ, đưa đón người  từ phi trường, lo gây quỹ, gom góp bàn ghế giường nệm, xoong nồi cho các gia đình mới tới, tìm việc làm cho người lớn, đăng ký trường sở cho trẻ nhỏ, dạy tiếng Anh v.v... Đầu tắt mặt tối, nhưng hai người đều vui vẻ mãn nguyện. Trong vòng 4 năm hội bảo lãnh thành công cho 150 người. Đến khi chương trình bảo lãnh bị đóng cửa, Bình và Phây còn tình nguyện sang đảo để giúp các thuyền nhân còn sót lại nữa.

Cô bạn "cảm tình viên" của Bình hồi ở trại nay thay đổi ý kiến, chắc vì lo ngại mối quan hệ chồng ta vợ tây. Khác với những lần bị từ chối trước đây, lần này Bình không cảm thấy thất vọng, tủi thân. Giữa Phây và Bình có nhiều điều tâm đầu ý hợp hơn. Vì làm việc cùng nhau, Bình e ngại chuyện tình cảm sẽ cản trở công việc. Anh cầu nguyện xin Chúa giang ra những ý nghĩ về Phây và dành Phây cho người nào thật xứng đáng. Cầu nguyện một đằng nhưng lòng lại hướng về đằng khác. Phây cũng âm thầm làm chuyện tương tự. Một lần kia, khi hai người đi thăm viếng, bà cụ chủ nhà dọn bàn ăn rồi khéo léo xin phép đi công chuyện. Còn lại hai người vừa ăn vừa âm thầm chờ đợi. Sau nhiều phút yên lặng Bình thốt ra: "I like you very much" - dịch là "Mình thích đằng ấy lắm". Phây nhớn mắt lên, ngực phập phồng tràn đầy hạnh phúc. Không ngờ Bình vội vã luống cuống thanh minh: "Không không mình đang nói với con chó đây này." Lúc đó Phây mới nhận ra con cún của bà chủ nhà lẻn vô từ lúc nào, đang ngồi bên cạnh chân Bình ngước mắc đòi xin ăn.Một bữa ăn lãng mạn kết thúc một cách thảm hại.

Phây tin Chúa lúc 16 tuổi trong khi cha mẹ vừa mới ra khỏi tà giáo nhân chứng Giê-hô-va.trong sự cay đắng. Trong suốt thời gian học khóa huấn luyện y-tá và môn cơ đốc giáo dục, cô luôn cầu nguyện xin Chúa ban nhân sự phục vụ cho các nước châu Á. Không ngờ một ngày kia cô trở nên câu trả lời cầu nguyện của chính mình. Học xong Chúa cảm động khiến Phây sang Hông kông, rồi Trung Quốc, Ấn độ, Nam dương và nhiều nước khác góp phần trong công tác truyền giáo. Cuối cùng cô dừng chân tại một trại tị nạn ở Thái lan phục vụ người Miên. Phục vụ quên mình, cô chẳng có thời gian suy nghĩ đến chuyện lập gia đình. Một sớm nọ, trong khi đang suy gẫm lời Chúa, một đôi bướm chập chờn bay lượn trước mặt Phây và một ấn tượng in đậm trong tâm linh Phây: "Hai năm nữa con sẽ gặp người chồng tương lai của con."Rồi một đêm sau ngày làm việc căng thẳng trong trại, với tư cách hiệu trưởng truờng mẫu giáo 1000 học sinh, Phây nằm mơ thấy Chúa cho biết cô sẽ lấy một người chồng Á đông, đang giảng dạy ở một nhà thờ Phúc âm, và hai người sẽ có một đứa con trai đầu lòng..." Giấy mơ quá cụ thể, đặc biệt lấy chồng người Á đông làm Phây sửng sốt. Trước khi trở về quê hương bạn bè trong hội truyền giáo nói nửa đùa nửa thật: "mày về lần này rồi lấy chồng ở lại luôn đấy."

 

Quả nhiên hai năm sau, tháng 7 năm 85 Phây gặp Bình. Anh cũng giảng dạy ở một nhà thờ Phúc Âm mới mở chưa có mục sư. Gương mặt anh có vẻ giống như người mà Phây thấy trong giấc mơ... Phải chăng Chúa dẫn dắt con, Chúa ơi. Xin Chúa cho con thêm một lời xác nhận chắc chắn. Cô chẳng phải chờ lâu, trong một đoạn Kinh Thánh phân đọc lướt qua, có một câu nổi bật lên trội hơn tất cả các câu khác: "Ta sẽ ban cho chúng cùng một ý chí, cùng một mục đích duy nhất ấy là sự kính sợ Ta, để chúng và con cháu chúng sau này được phước lành." (Giê-rê-mi 32:38)  Cụm từ "Cùng một" này được nhắc lại tới hai lần khiến Phây nhớ lại lời Chúa: "Người nam sẽ lìa cha mẹ để kết với vợ mình và hai sẽ trở nên một...", Tiếp đó một cụm từ mới, để "chúng và con cháu chúng"... làm Phây càng tin tưởng Chúa đang phán về một gia đình có thể về Bình và Phây. Bởi là thân phận con gái, Phây chẳng dám nói chuyện này với ai.

Một tối Bình chỉ cho Phây thấy mấy câu Kinh Thánh mà anh suy gẫm suốt mấy tháng qua. Một câu trong đó giống hệt như câu Phây nhận được ở trên. Thêm vào đó có một câu khác: "ở chốn này ... sẽ có tiếng vui mừng rộn rã, tiếng chú rể và cô dâu, tiếng của những người mang quà cảm tạ Đức Chúa Trời, vừa đi vui vừa hát..." (Giê-rê-mi 33:10). Không nghi ngờ gì nữa Chúa đã dự bị cho đôi bạn bước chung chăng đường còn lại của hai Người. Chúa tạo điều kiện để Bình đi du học và sống trong vòng người Tây phương 9 năm trời. Chúa cũng khiến Phây có tấm lòng với người Á đông và phục vụ họ 4 năm trước khi gặp Bình. Cả hai đã được đều thông hiểu gốc gác của nhau và được chuẩn bị kỹ càng cho một gia đình đa văn hóa. Trong chiếc xe nhỏ xíu đang chở thực phẩm đi phân phát cho các gia đình mới định cư, Bình húng hắng lên tiếng: "Em có muốn lập gia đình với anh không?" Phây mỉm cưới đáp "vâng ạ". Bình dừng lại, chạy sang phía bên kia mở của xe, gỡi bỏ hai thùng hàng trên vế của Phây, đặt lên trên nóc xe rồi  cúi xuống hôn cô bạn của mình.

Bình nhớ tới ba lời cầu xin với Chúa hồi còn ở trong trại tị nạn: "Xin Cha cho con một mảnh đất cắm dùi, một công việc làm và một người bạn đời." Hôm nay Chúa đã đáp ứng trọn vẹn cả ba điều ấy. Chưa hết, chiểu theo giấc mơ của Phây thời con gái, mười tám tháng sau ngày cưới, một thằng cu đầu lòng đã chào đời khóc oa oa trong vòng tay của cô. Thật kỳ diệu về sự thành tín của Chúa, thật phước hạnh cho một cuộc đời theo Chúa.

 

 
     

            

Trở về trang những mẩu chuyện cuộc sống, banluan.com